Chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa dân tộc Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Bắt đầu từ thời kỳ suy thoái của các lãnh chúa phong kiến thời Trung cổ, những khuôn khổ mới cho kinh tế ở tầm mức quốc gia bắt đầu được củng cố. Từ năm 1492 với những cuộc thám hiểm như của Christopher Columbus, những cơ hội thương mại mới mở ra với Tân thế giớichâu Á. Những nhà quân chủ hùng mạnh muốn tập trung quyền lực và củng cố sự thống nhất nhà nước để tăng cường quyền lãnh đạo của họ. Chủ nghĩa trọng thương trở thành một phong trào chính trị và một học thuyết kinh tế ủng hộ việc sử dụng sức mạnh quân sự của nhà nước để giành giật các thị trường và bảo vệ những nguồn tài nguyên cướp bóc được.

Những người trọng thương tin rằng thương mại quốc tế là những giao dịch có tổng bằng không. Vì tiền bạc và vàng là những nguồn duy nhất cho sự giàu có và số lượng tài nguyên có thể chia sẻ giữa các quốc gia là giới hạn. Cho nên, các loại thuế được sử dụng để khuyến khích xuất khẩu (có nghĩa là mang về nhiều tiền bạc hơn cho đất nước) và hạn chế nhập khẩu (tức là chi tiêu ra nước ngoài). Nói cách khác, phải luôn duy trì thặng dư trong cán cân thương mại. Thực ra, khái niệm chủ nghĩa trọng thương chỉ bắt đầu được sử dụng với các nghĩa đầy đủ nói trên từ cuối năm 1763 bởi Victor de Riqueti, marquis de Mirabeau, và trở nên phổ biến nhờ Adam Smith, người quyết liệt chống lại những ý tưởng của chủ nghĩa trọng thương.

Thomas Mun

Doanh nhân người Anh Thomas Mun (1571-1641) đại diện cho chính sách trọng thương thời kỳ đầu qua cuốn sách của ông, England's Treasure by Foraign Trade (Ngân khố của nước Anh qua thương mại với nước ngoài). Dù tới năm 1664 nó mới được xuất bản, cuốn sách đã được phổ biến rộng dưới dạng bản thảo trước đó. Mun là một thành viên của Công ty Đông Ấn Anh và đã trình bày về những trải nghiệm của ông trong cuốn A Discourse of Trade from England unto the East Indies (1621, Ghi chép về thương mại từ Anh tới Đông Ấn).

Theo Mun, thương mại là cách duy nhất để tăng ngân khố cho nước Anh (tức là sự giàu có của quốc gia) và để theo đuổi điều đó, ông đề xuất một số phương án hành động. Nhập khẩu cần phải tính toán kỹ để tăng lượng hàng hóa có thể xuất khẩu, tăng việc sử dụng đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác để giảm bớt nhu cầu nhập khẩu, giảm thuế xuất khẩu đánh vào các hàng hóa sản xuất nội địa từ nguyên vật liệu nước ngoài, và xuất khẩu những hàng hóa có cầu không co giãn vì có thể thu được nhiều tiền hơn với mức giá cao hơn.

Philipp von Hörnigk

Philipp von Hörnigk (1640-1712, đôi khi có họ là Hornick hoặc Horneck) sinh ở Frankfurt am Main và trở thành nhân viên nhà nước ở Áo vào giai đoạn đất nước ông bị đe dọa liên tục bởi những cuộc xâm lăng của Đế chế Ottoman. Trong tác phẩm Österreich Über Alles, Wann es Nur Will (1684, Nước Áo trên tất cả, nếu muốn) ông đã nêu ra những tuyên bố rõ ràng về chính sách trọng thương. Ông liệt kê chín nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế quốc gia.

Một, xử lý vấn đề đất đai canh tác của quốc gia với sự thận trọng tối đa, không để trống bất cứ khoảnh đất nào có thể canh tác. Hai, tất cả hàng hóa trong một quốc gia không thể sử dụng ở dạng thô cần phải được sản xuất bên trong quốc gia. Ba, cần chú ý tới vấn đề dân số, để dân không tăng quá mức mà đất nước có thể đáp ứng. Bốn, vàng và bạc không bao giờ được rời quốc gia trong bất cứ tình huống nào. Năm, người dân bản địa phải luôn sử dụng hàng hóa quốc nội. Sáu, hàng hóa nước ngoài phải được mua không phải bằng vàng hay bạc, mà bằng đổi hàng lấy hàng. Bảy, hàng hóa nhập khẩu phải được nhập ở dạng nguyên liệu thô, và chế tạo trong nước. Tám, phải ngày đêm tận dụng các cơ hội bán những hàng hóa dư thừa trong nước sản xuất được ra nước ngoài, dưới dạng hàng hóa chế tạo. Và chín, không cho phép nhập khẩu trong bất cứ tình huống nào mà nguồn cung trong nước có thể đáp ứng.

Chủ nghĩa dân tộc, tinh thần tự cung tự cấp và quyền lực nhà nước là những nguyên tắc cơ bản được đề xuất từ những người theo chủ nghĩa trọng thương.

Jean-Baptiste Colbert

Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) là Bộ trưởng tài chính dưới thời vua Louis XIV của Pháp. Ông đã lập nên phường hội cho các ngành công nghiệp lớn. Lụa, vải sợi, thảm, đồ nội thất và rượu là những mặt hàng mà nước Pháp chuyên sản xuất, tất cả những nhà sản xuất các mặt hàng này phải gia nhập phường hội để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này tồn tại cho tới cuộc Cách mạng Pháp. Theo Colbert "đơn giản, và chỉ có, tiền bạc dồi dào tạo ra sự khác biệt trong sức mạnh giữa các nhà nước".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...